Cà phê và hành trình từ truyền thuyết đến văn hóa (Phần 1)
Cà phê và hành trình từ truyền thuyết đến văn hóa (Phần 1)
Sự phát triển mạnh mẽ của cà phê đã mang đến cho người tiêu dùng đa dạng thành phẩm thơm ngon, chất lượng. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng thưởng thức một ly cà phê thơm ngon ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng để có thể xuất hiện phổ biến trong đời sống con người và gắn liền với văn hóa của nhiều quốc gia, cà phê đã trải qua một hành trình dài, mang trong mình những bí mật thú vị và câu chuyện ly kỳ.
Câu chuyện thần thoại ở vùng đất Ethiopia
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của cà phê, nhưng câu chuyện phổ biến nhất là thần thoại về người chăn dê Kaldi ở vùng đất Ethiopia vào khoảng thế kỷ thứ 9. Nhận thấy đàn dê đột nhiên tràn đầy năng lượng lạ thường, Kaldi lần theo dấu vết và phát hiện chúng đã ăn một loại quả mọng có màu đỏ rực rỡ. Sau khi nếm thử loại quả này, Kaldi cảm nhận được một nguồn năng lượng mãnh liệt trong cơ thể và quyết định đem chúng đến tu viện địa phương.
Sau quá trình nghiên cứu và pha chế của các tu sĩ, thức uống từ hạt của những quả mọng đỏ ra đời. Thành phẩm màu đen sóng sánh, có hương thơm đặc biệt và giúp tỉnh táo trong suốt nhiều giờ - chính là ‘cà phê’ - thức uống phổ biến trong đời sống thường ngày hiện nay. Vị trụ trì đã chia sẻ câu chuyện và kiến thức về hạt cà phê tràn đầy năng lượng đến những tu viện khác. Khi ấy, hành trình lan rộng của hạt cà phê bắt đầu.
Trong nhiều thế kỷ, người Ethiopia đã thưởng thức cà phê như một phần trong chế độ ăn uống. Ngoài cách thưởng thức thông thường, cà phê ở còn được sử dụng trong phương pháp sản xuất bia truyền thống của vùng đất Ethiopia.
Hành trình đến bán đảo Ả Rập
Đến thế kỷ 15, theo chân các lái buôn Ả Rập, cà phê tìm được vùng đất lý tưởng để phát triển là Yemen. Tận dụng điều kiện tự nhiên và phát triển kỹ thuật trồng trọt, chế biến, bến cảng Mocha ở mũi phía tây nam của bán đảo Ả Rập (Yemen) đã trở thành trung tâm xuất khẩu cà phê. Đến thế kỷ 16, cà phê bắt đầu lan sang Ba Tư (Iran), Ai Cập, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Thời điểm này, cà phê không chỉ được thưởng thức trong nhà, mà còn xuất hiện ở nhiều quán cà phê công cộng và bắt đầu lan rộng đến các thành phố trên khắp vùng Cận Đông. Những quán cà phê này ngày càng trở nên phổ biến, trở thành địa điểm lui tới thường xuyên của người dân. Khi ấy, người ta không chỉ đến quán để thưởng thức hương vị cà phê, mà còn gặp gỡ để trao đổi tri thức, sáng tạo nghệ thuật và xây dựng, thắt chặt các mối quan hệ xã hội.
Lan tỏa khắp châu Âu
Vào thế kỷ 17, cà phê xuất hiện ở châu Âu và nhanh chóng phổ biến nhờ hương vị đặc trưng và sức hấp dẫn khó cưỡng. Ban đầu, nhiều người tỏ ra nghi ngờ loại thức uống mới này và làm dấy lên nhiều tranh cãi. Dẫu vậy, các quán cà phê vẫn nhanh chóng trở thành trung tâm hoạt động xã hội và truyền thông ở các thành phố lớn nước Anh, Áo, Pháp, Đức và Hà Lan. Ở Anh, “trường đại học đồng xu” mọc lên như nấm, đây là cách nói hài hước về việc với mỗi xu trả ra, người dân có thể mua một tách cà phê và tham gia vào các cuộc trò chuyện hấp dẫn.
Thay vì uống bia và rượu vang trong bữa sáng như thường lệ, nhiều người chọn uống cà phê để bắt đầu ngày mới tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Phương pháp pha chế cà phê cũng ngày càng phát triển hơn. Ban đầu, người dân dùng vớ hoặc vải để lọc bã cà phê sau khi nấu. Nhưng sau đó, bình cà phê với bộ lọc kim loại ra đời, giúp việc pha chế cà phê trở nên thuận tiện hơn.
- TỪ KHOÁ